Đối với con tôm, gan là một trong những bộ phận giúp người nuôi có thể kiểm tra bệnh của tôm bằng mắt thường. Hằng ngày, quan sát tôm qua nhá sẽ nhận biết nhanh chóng hiện trạng của chúng, màu sắc gan thay đổi bất thường chứng tỏ rằng có thể tôm đang mắc một số bệnh nguy hiểm.
Quan sát màu sắc, hình dạng hệ thống gan tôm để nhận biết?
Gan tụy được xem là cơ quan lớn thứ hai chỉ sau vỏ của con tôm. Gan tụy là tuyến ruột giữa, nằm ở phần sau của ngực và ở phần bụng trước tim có màu nâu vàng, đi theo 1 cặp. Chúng có chức năng như tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng, dự trữ năng lượng, tạo máu, miễn dịch, giải độc và bài tiết những độc tố ra bên ngoài.
Vì vậy, người nuôi có thể quan sát gan tôm để đoán được một phần bệnh mà tôm đang mắc phải trước khi đưa ra xét nghiệm.
Phân biệt gan tụy khỏe và gan tụy nhiễm bệnh
Dưới đây, Tép Bạc sẽ hướng dẫn bà con phân biệt nhanh màu sắc cũng như kích thước mà ở một gan tụy tôm khỏe mạnh sẽ khác với gan tụy tôm nhiễm bệnh như thế nào nhé!
Đầu tiên, ở gan tụy tôm khỏe mạnh sẽ có màu nâu hoặc nâu đen. Có mùi tanh đặc trưng. Có màng bao gan có màu vàng nhạt. Kích thước bình thường: rộng tới hai mép mang, dài ngang với cổ giáp, rõ ràng.
Còn ở gan tụy tôm mắc bệnh sẽ có màu sắc bất thường hơn như màu vàng, nhợt nhạt, hồng, đen, xanh,… Gan bè hay gọi sưng gan: có hiện tượng xuất huyết, hồng gan-đỏ gan, kích thước rộng quá hai mép mang, màng bao gan mờ nhạt, khi kiểm tra thấy ống gan vỡ, có dịch màu vàng tanh. Gan teo: Kích thước gan teo nhỏ, có màu đen, khối gan tụy dai, khó tách.
Riêng đặc biệt với gan tôm đã nhiễm bệnh EMS, ở giai đoạn đầu chỗ nối giữa dạ dày và gan tụy mờ đục (đường ruột vẫn đầy thức ăn, màu gan bình thường). Giai đoạn 2: Phần mờ đục giữa dạ dày và gan tụy rộng hơn, gan chuyển màu. Giai đoạn 3: Khoảng mờ giữa dạ dày và gan tụy tiếp tục rộng, gan tụy mờ, giảm kích thước, nhạt màu. Giai đoạn 4: Gan tụy teo hoàn toàn, trống dạ dày, trống ruột, chết hàng loạt.
Quan sát gan tôm để có thể nhận biết nhanh tôm đang nhiễm bệnh. Ảnh: biogency
Màu sắc tôm tôm thể hiện điều gì?
– Gan đỏ: gánh nặng trên gan, hoặc có vi khuẩn, viêm, hệ miễn dịch suy yếu.
– Gan vàng: Khả năng tiêu hoá bất thường, chuyển hoá không đầy đủ các chất dinh dưỡng.
– Gan trắng: Sau khi gan bị nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm độc, rối loạn chuyển hoá năng lượng, hết glycogen gan và protein.
– Gan đen: Dư lượng thuốc hoặc sự chết đi của các tế bào giải độc gan, nguyên nhân do các chỉ số hoá lý (không thể đảo ngược).
– Gan co lại: Do nhiều yếu tố phức tạp.
Có rất nhiều các nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng gan tôm bị bệnh. Trong đó, một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng khiến gan tôm bị bệnh phải kể đến như:
Các loại thức ăn dành cho tôm có hàm lượng chất dinh dưỡng không đồng đều, môi trường ao nuôi bị ô nhiễm xuất hiện tảo độc, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, chịu ảnh hưởng từ thời tiết hoặc vi khuẩn tấn công; trong ao hồ có chứa khí độc H2S, NH3, NO2…
Vậy khi người nuôi đã có thể quan sát gan tôm bằng mắt thường, nhận thấy giống một trong những dấu hiệu trên thì cần nên làm các công việc như sau:
– Kiểm tra mật độ vi khuẩn nước ao nuôi tôm, trên tôm bằng cách đưa mẫu nước, mẫu tôm đến các phòng xét nghiệm gần nhất để có thể xác định rõ nguyên nhân gây bệnh.
– Tìm giải pháp khắc phụ khi đã có nguyên nhân gây nên, tuy nhiên ở mỗi bệnh lý trên gan đều có những cách chữa trị khác nhau, có thể dứt điểm hoặc không thể chữa trị hết hoàn toàn, đều này là không thể tránh khỏi.
Vì vậy, để phòng tôm mắc các bệnh về gan gây thiệt hại lớn cho cả vụ nuôi. Người nuôi nên chủ động cải tạo ao đúng cách, diệt trừ các mầm bệnh trước khi thả giống. Sử dụng nguồn giống đã qua kiểm định, không nhiễm bệnh, hạn chế mầm bệnh lây nhiễm chéo giữa các ao, các khu nuôi với nhau là điều rất cần thiết.
Mây
Nguồn: Tép Bạc/nguoinuoitom