Thức ăn trong nuôi tôm là yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng của tôm. Ngoài ra, chi phí thức ăn cũng chiếm phần lớn lượng vốn mà người nuôi bỏ ra. Chi phí này ảnh hưởng khá lớn đến năng suất và hiệu quả nuôi.
Chất lượng thức ăn cũng quyết định chất lượng tôm thu hoạch, ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của tôm
Ngoài việc quản lý thức ăn, chất lượng thức ăn cũng quyết định chất lượng tôm thu hoạch, ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe của tôm.
Tại sao cần quản lý tốt lượng thức ăn cho tôm?
Trong quá trình nuôi tôm, thức ăn chiếm khoảng 50 - 70% tổng vốn đầu tư. Điều quan trọng là cung cấp thức ăn hàng ngày đủ lượng, phù hợp từng giai đoạn ương, nuôi, đảm bảo tôm phát triển đồng đều, tăng trưởng đồng thời giúp bà con tiết kiệm chi phí.
Định lượng thức ăn giúp người nuôi biết sản lượng tôm thực tế trong ao, cỡ tôm hiện tại, mức độ tăng trưởng, tỷ lệ sống, mật độ nuôi có phù hợp sinh khối hiện tại hay không.
Hơn nữa, thức ăn thừa có thể gây ra các vấn đề về môi trường ao nuôi, chẳng hạn như sự tích tụ chất thải. Tác dụng phụ của việc cho ăn quá nhiều dẫn đến thức ăn thừa không được tôm tiêu thụ và cuối cùng lắng xuống đáy ao. Thức ăn thừa này có thể tạo ra amoniac, nitrit và nitrat, gây ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến sức khỏe của tôm.
Thức ăn và thói quen ăn uống của tôm
Tôm là loài ăn tạp, có chế độ ăn uống khá đa dạng, nguồn thức ăn trong tự nhiên của tôm thường là các động thực vật phù du. Trong khi đó, ở hình thức nuôi ao, thức ăn nhân tạo lại là nguồn thức ăn chính được cung cấp cho tôm.
Thức ăn nhân tạo có dạng viên, vụn hoặc bột mịn. Trong thức ăn nhân tạo có chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu mà tôm cần để phát triển và sinh trưởng một cách bình thường. Các chất dinh dưỡng này bao gồm protein, chất béo, vitamin, axit amin thiết yếu, carbohydrate và khoáng chất, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển của tôm.
Thức ăn nhân tạo phải đáp ứng các tiêu chuẩn như hàm lượng dinh dưỡng phù hợp nhu cầu và độ tuổi của tôm, dễ tiêu hóa, có đường kính phù hợp với cỡ miệng của tôm,…
Một số mẹo quản lý thức ăn hiệu quả
Sử dụng thức ăn hiệu quả trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của vụ nuôi. Việc có những chiến lược quản lý thức ăn phù hợp sẽ giúp ích cho bà con rất nhiều trong các vấn đề về chi phí đầu tư, năng suất và chất lượng tôm nuôi.
Xác định lượng thức ăn dựa trên độ tuổi của tôm
Trước khi cho ăn, người nuôi cần xem xét và xác định lượng thức ăn phù hợp dựa trên độ tuổi, giai đoạn phát triển của tôm. Để tính toán lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng cần chú ý tới 2 giai đoạn sau:
- Giai đoạn thứ nhất là dưới 30 ngày tuổi.
- Giai đoạn thứ hai là trên 30 ngày tuổi trở đi.
Ví dụ, đối với tôm dưới 30 ngày tuổi có thể cho ăn kiểu đoán, vì không thể tính toán chính xác nhu cầu thức ăn. Với tôm nuôi được hơn 30 ngày tuổi, người nuôi có thể tiến hành tính toán lượng thức ăn theo nhu cầu của tôm dựa trên số lượng thả giống (con), số lượng tôm trung bình (con/kg), tỉ lệ sống (mật độ tôm còn lại).
Tần suất cho ăn
Tần suất cho ăn là điều thứ hai cần cân nhắc khi quản lý thức ăn cho tôm. Thức ăn sau khi vào cơ thể tôm thường sẽ được tiêu hóa trong 3 - 4 giờ. Đây có thể là điểm chuẩn người nuôi có thể sử dụng để xác định tần suất cho ăn mỗi ngày.
Ngoài ra, hàm lượng oxy hòa tan (DO) trong ao cũng là một yếu tố cần lưu ý, do DO ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của tôm thẻ chân trắng. Do đó, hãy đảm bảo việc cho ăn được thực hiện khi DO trong nước ổn định.
Cho ăn đúng cách
Thức ăn nhân tạo được sử dụng từ khi bắt đầu thả tôm giống cho đến khi thu hoạch. Tuy nhiên, các loại thức ăn này cũng được phân biệt trong quá trình cho ăn dựa trên độ tuổi, giai đoạn phát triển của tôm. Ngoài ra, lượng thức ăn cũng phải được tính toán cẩn thận để tôm có đủ dinh dưỡng cần thiết.
Người nuôi có thể rải thức ăn trực tiếp xung quanh ao hoặc sử dụng nhá để dễ kiểm soát lượng thức ăn. Nếu sử dụng nhá thức ăn, trong tháng đầu nuôi nên hòa thức ăn (dạng vụn) với nước để làm ẩm, tránh trường hợp thức ăn nổi lên, trôi ra khỏi sàng.
Nhất Linh