Lột vỏ (hay còn gọi là hiện tượng lột xác) là một hiện tượng sinh lý bình thường của tôm. Người nuôi luôn muốn kích thích quá trình lột vỏ của tôm diễn ra đồng loạt để nâng cao năng suất và chất lượng tôm khi thu hoạch. Bên cạnh đó, tôm lột vỏ đồng đều còn giúp tôm tăng khả năng kháng lại vi khuẩn và virus gây bệnh. Nhưng có rất nhiều nguyên nhân khiến tôm không lột vỏ được, gây đau đầu cho không ít bà con khi nuôi tôm.
Ý nghĩa quá trình lột vỏ đối với tôm
Vỏ tôm là một bộ xương ngoài hay còn gọi là một tấm “áo giáp” giúp bảo vệ thịt tôm khỏi một số động vật ăn thịt và mầm bệnh. Ngoài ra, nó còn giúp giữ cơ thể mềm trong hình dạng con tôm. Nếu không có vỏ, tôm sẽ giống như một con sâu.
Vỏ tôm gồm có 2 thành phần chính: 55% là khoáng vô cơ (phần lớn là Calcium, Mg và các loại khoáng khác) và 45% còn lại là Chitin (hợp chất Protein Chitin được cấu thành từ Carbohydrate và Protein) và có cả hệ thống cảm giác giúp tôm có thể phát hiện nếu môi trường sống bị thay đổi và có thể điều chỉnh theo đó.
Lột vỏ là một quá trình bắt buộc phải xảy ra đối với động vật giáp xác nói chung và cụ thể là tôm nói riêng. Khi tôm loại bỏ lớp vỏ cũ để hình thành lớp vỏ mới, ngoài lợi ích là tăng trưởng thì nó còn giúp tôm loại bỏ các vết sẹo, vết thương, các tạp chất, các loại vi khuẩn, cũng như các loại ký sinh trùng ký sinh trên vỏ tôm và một số bộ phận khác như râu, chân,…
Sau khi lột vỏ, tôm có một cơ thể mới và hoàn hảo hơn. Đó cũng là một phần của chọn lọc tự nhiên, để chọn ra những con tôm tốt nhất và loại bỏ những con tôm yếu ớt đi.
Vỏ tôm sau khi trải qua quá trình lột.
Nguyên nhân tôm không lột vỏ được
Trong nuôi tôm thẻ chân trắng, đa số bà con muốn kích thích cho quá trình lột vỏ của tôm diễn ra đồng đều. Nhưng muốn làm được điều đó, bà con cần phải nắm rõ các kiến thức về dinh dưỡng, môi trường và nhất là dịch bệnh. Bên cạnh 3 yếu tố trên, bà con nên tìm hiểu thêm về chu kỳ lột vỏ của tôm.
Các nguyên nhân khiến tôm không lột vỏ được thường là:
– Dinh dưỡng không đủ:
Đây được coi là một trong những nguyên chính khiến tôm không lột vỏ được. Tôm thiếu dinh dưỡng sẽ không đủ chất để làm đầy vỏ, lớp vỏ cũ không nứt ra được nên quá trình lột bỏ lớp vỏ cũ để hình thành lớp vỏ mới sẽ không diễn ra.
Cách xử lý: Để tôm lột vỏ tốt bà con nên cho tôm ăn đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là thức ăn có hàm lượng đạm cao, hàm lượng đạm tổng số trong khoảng 32-45. Bổ sung các loại Vitamin, Protein đậm đặc vào khẩu phần ăn của tôm để giúp tăng dinh dưỡng cho tôm.
– Quản lý thức ăn chưa tốt:
Tôm không lột vỏ được do thức ăn cũng không hiếm gặp ở nhiều ao nuôi.
Cách xử lý: Bà con nên cho tôm ăn đủ lượng thức ăn. Đối với tháng nuôi đầu, cho ăn 8-10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi, các tháng tiếp theo cho ăn 5-7%. Bên cạnh đó, bà con cũng cần:
Thường xuyên theo dõi sàng ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Chuyển đổi loại thức ăn theo từng giai đoạn phát triển của tôm, cỡ miệng tôm và nhu cầu dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Khi chuyển đổi sang thức ăn mới, nên trộn lẫn với thức ăn cũ và cho ăn 3 ngày để tôm thích nghi, sau đó mới dần thay đổi hoàn toàn cho ăn thức ăn mới.
– Tôm bị thiếu khoáng:
Khoáng chất cũng là một thành phần rất quan trọng trong nuôi tôm. Thiếu khoáng sẽ khiến tôm không lột vỏ được.
Cách xử lý: Cung cấp đầy đủ khoáng chất giúp tôm lột vỏ tốt hơn, chủ động bổ sung một số khoáng chất cần thiết như Canxi, Phospho, men kích thích, Premix,… để tôm có thể tái tạo lớp vỏ mới. Thông thường, tôm sẽ lột vỏ vào ban đêm, bà con có thể bổ sung khoáng chất (ví dụ CaCl2 và MgCl2) vào buổi chiều để kích thích tôm lột vỏ.
– Mầm bệnh xâm nhập:
Trong quá trình nuôi, do ao nuôi có nhiều mầm bệnh nên tôm bị ảnh hưởng, các bệnh thường gặp là nấm, đóng rong, tôm còi,… cũng khiến cho tôm chậm lột vỏ hoặc tôm không lột vỏ được. Nếu tỷ lệ nhiễm cao, đối với từng loại bệnh sẽ có những cách điều trị riêng.
Cách xử lý: Bà con có thể phòng bệnh bằng cách quản lý chất lượng nước ao nuôi tốt, quản lý tảo và luôn đảm bảo oxy cho tôm.
– Chất lượng môi trường nuôi kém:
Môi trường nuôi ảnh hưởng rất lớn đến quá trình lột vỏ của tôm, môi trường nuôi không tốt sẽ ức chế tôm lột vỏ, khiến tôm không lột vỏ được.
Cách xử lý: Khi thấy tôm chuẩn bị lột vỏ, bà con nên tăng cường quạt nước và sục khí để bổ sung hàm lượng oxy hòa tan. Bên cạnh đó, bà con cần chủ động điều chỉnh các thông số môi trường như: pH, độ kiềm, oxy hòa tàn, nhiệt độ,… Bằng cách cải tạo ao nuôi, gây màu nước, nuôi đúng thời vụ, thả nuôi với mật độ phù hợp, định kỳ thay nước để đảm bảo cho tôm phát triển và lột vỏ được. Luôn duy trì hàm lượng oxy hòa tan trong khoảng 4-6 mg/l trong suốt quá trình tôm lột vỏ.
Độ mặn: Những ao nuôi có độ mặn càng cao thì hàm lượng khoáng hòa tan có sẵn trong ao nuôi càng cao và ngược lại. Do đó, những ao nuôi có độ mặn thấp bà con nên tăng cường bổ sung khoáng để tăng độ mặn cho ao nuôi. Đối với một số ao nuôi có độ mặn lên đến cao hơn 25‰, vỏ tôm thường dày và cứng nên quá trình lột vỏ sẽ diễn ra chậm hơn.
pH: Thường nằm trong khoảng 7-8,5 là đạt và tốt nhất là 7,5-8 cho quá trình lột vỏ của tôm. Để ổn định pH thì độ trong của nước nằm trong khoảng 30-40cm. Nếu pH < 7,5 thì bà con bón vôi (CaCO3, Dolomite) với liều lượng 10-20 kg/1000m3, pH > 8,5 thì sử dụng mật rỉ đường với liều lượng 3kg/1000m3 nước, kết hợp sử dụng vi sinh theo liều lượng và hướng dẫn của nhà sản xuất.
Độ kiềm: Trong quá trình sinh trưởng, tôm cần rất nhiều khoáng chất nên cần duy trì độ kiềm từ 120 mg/l trở lên bằng cách sử dụng vôi CaCO3 hoặc Dolomite, đồng thời bổ sung khoáng 3-5 lần/ngày vào ban đêm sẽ giúp khắc phục tình trạng tôm không lột vỏ được và khi lột vỏ sẽ tôm lột hàng loạt và vỏ nhanh cứng.
Tôm thẻ chân trắng khi lột vỏ.
Cách để kích thích tôm lột vỏ/lột xác
Dưới đây là bảng chu kỳ lột xác của tôm, bà con tham khảo để có thể kích thích giúp tôm lột vỏ đồng loạt:
Để khắc phục tình trạng tôm không lột vỏ được, bà con cần có biện pháp kích thích tôm lột khi tôm đã tới giai đoạn cần phải lột. Việc đầu tiên bà con cần làm là kiểm soát các điều kiện để kích thích tôm lột vỏ:
Độ mặn nước ao nuôi: 10-25 ‰.
Độ kiềm: 120mg/l.
pH tốt nhất để kích thích tôm lột vỏ thường nằm trong khoảng: 7.5-8.5.
Nồng độ oxy hòa tan trong khoảng: 4-6mg/l.
Hiện nay, khi tôm không lột vỏ được thường có 2 biện pháp kích thích tôm lột vỏ là sử dụng biện pháp sinh học và sử dụng biện pháp hóa học. Đối với biện pháp sinh học là biện pháp thay nước để kích thích giúp tôm lột vỏ, và biện pháp hóa học là sử dụng các chất hóa học, thuốc khử trùng, thuốc diệt khuẩn,…
– Kích thích tôm lột vỏ bằng biện pháp thay nước:
Đây là biện pháp cơ bản và cũng là biện pháp bà con thường hay áp dụng. Khi thay nước, các yếu tố như nhiệt độ và thành phần trong nước thay đổi sẽ kích thích giúp tôm lột vỏ. Tùy theo tình trạng màu nước chất lượng nước, sức khỏe của tôm mà bà con thay cho phù hợp. Lượng nước thay vào thường là 2/3 – 1/2 tổng thể tích nước trong ao.
Bà con thay nguồn nước sạch vào ao nuôi kết hợp quạt nước sục khí cho ao. Nguồn nước sạch cấp vào ao phải được xử lý, lắng lọc cẩn thận và khử trùng triệt để, đồng thời phối hợp quạt nước-sục khí sau thay nước.
Lưu ý: Chỉ kích thích tôm lột vỏ bằng biện pháp thay nước vào những ngày nắng nhẹ, không sử dụng biện pháp này vào những ngày âm u và mưa, vì nước mưa sẽ mang theo nhiều độc tố vào ao, lượng phèn từ đất bờ chảy xuống ao có thể làm tôm bị sốc. Vì khi lột sức đề kháng của tôm rất yếu, điều đó sẽ khiến tôm dễ chết.
Khi thay nước xong, bà con nên sử dụng các chế phẩm sinh học để bón vào ao nuôi, tùy theo từng đặc tính của chế phẩm mà bà con sử dụng để kích thích quá trình lột xác diễn ra thuận lợi hơn.
– Kích thích tôm lột vỏ bằng hóa chất:
Khi tôm không lột vỏ được, nhiều bà con rất lo lắng mà sử dụng hóa chất với liều lượng cao. Biogency khuyến cáo bà con không nên lạm dụng các hóa chất để kích thích sự lột xác của tôm. Vì điều này có thể gây chết tôm hàng loạt, ảnh hưởng đến năng suất. Chỉ nên dùng phương pháp này khi thực sự cần thiết.
Các hóa chất hỗ trợ tôm lột xác là thuốc khử trùng như Chlorine, thuốc tím,.. với nồng độ rất thấp. Dùng thuốc diệt cá tạp và hoạt chất của Rotenone với nồng độ 1-3 ppm (khoảng 1-3g/m3) nên áp dụng lúc tôm khỏe hoặc vào chiều mát hoặc trời tối.
Lưu ý: Sau khi tôm lột vỏ, lớp vỏ tôm còn rất yếu nên rất dễ nhiễm dịch bệnh, vì thế bà con nên bổ sung các khoáng chất cần thiết cho ao tôm như: K, Mg, Ca, P, NaCl, Mn,… giúp tôm nhanh cứng vỏ. Đồng thời lựa chọn những loại thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho tôm.
Đặc biệt vào mùa mưa, lượng mưa lớn khiến tôm lột xác không đồng đều, ao thiếu oxy, khí độc cao, nước thiếu khoáng nên bà con cần bổ sung vôi để duy trì pH và tôm lột vỏ, bổ sung men chế phẩm sinh học để ngăn ngừa khí độc ao nuôi.
Hy vọng qua bài những chia sẻ trên sẽ giúp bà con hiểu rõ hơn về quá trình lột vỏ của tôm cũng như nguyên nhân và cách xử lý khi tôm không lột vỏ được. Mọi thắc mắc, bà con có thể liên hệ ngay theo số HOTLINE 0946 666 674 để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Nikolet kính chúc bà con có một vụ mùa bội thu.