Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) lây truyền bệnh cho tôm chủ yếu xảy ra qua đường miệng bằng cách ăn phải bào tử các mô, trầm tích và nước bị ô nhiễm. Đồng thời chúng cũng được xác định có ở động vật không xương sống hoang dã như giun nhiều tơ, cua, động vật thân mềm và các loài động vật đáy khác như artemia, v.v. và chúng bị nghi ngờ là vật truyền mầm bệnh cho tôm giữa môi trường hoang dã và hệ thống nuôi.
Một vài động vật nghi ngờ là vật truyền mầm bệnh cho tôm giữa môi trường hoang dã và hệ thống nuôi.
Giun nhiều tơ là động vật không xương sống sống ở đáy biển, xuất hiện ở nhiều môi trường sống biển khác nhau, bao gồm cửa sông, đầm phá, vùng nước ven biển, v.v. Chúng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn và là động vật ăn thịt cũng như con mồi cho các loài động vật lớn hơn, bao gồm cả tôm. Chúng có hàm lượng dinh dưỡng cao, hàm lượng axit béo không no cao và sự hiện diện của hormone thúc đẩy tôm bố mẹ cho sinh sản trứng chất lượng và số lượng tốt. Tuy nhiên có nhiều nghi vấn đặt ra giun nhiều tơ có phải là vật mang tiềm năng lây truyền Enterocytozoon hepatopenaei (EHP) trên tôm. trước tình hình đó các cuộc khảo sát đánh giá về sự hiện diện EHP trên giun nhiều tơ được tiến hành.
Cụ thể, một cuộc sàng lọc dựa trên kỹ thuậ PCR đối với các mẫu giun nhiều tơ hoang dã (n = 330) thu dọc theo ba tiểu bang ven biển của Ấn Độ, kết quả cho thấy đã phát hiện EHP ở 7,6%, virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV) ở 8,5% và đồng nhiễm WSSV và EHP ở 3,6% mẫu. Trong số 7,6% (n = 25), giun nhiều tơ có kết quả xét nghiệm dương tính với EHP bằng xét nghiệm PCR 2 bước; 2,1% có kết quả xét nghiệm PCR bước 1 dương tính (nhiễm trùng nặng) và 5,5% có kết quả xét nghiệm bước lồng nhau dương tính (nhiễm trùng nhẹ). Khoảng 75% các mẫu giun nhiều tơ dương tính với EHP có nguồn gốc từ các địa điểm xung quanh hoặc liền kề với các khu vực nuôi tôm. Đồng thời kết quả phân tích phát sinh loài cho thấy các phân lập EHP từ giun nhiều tơ tập hợp thành một nhóm duy nhất cùng với nhóm từ Ấn Độ và các quốc gia khác.
Giun nhiều tơ
Ngoài ra, các thí nghiệm cảm nhiễm sử dụng giun nhiều tơ bằng cách nuôi chung với tôm nhiễm EHP thì những con giun này trở nên dương tính với EHP 100% sau 15 ngày. Tuy nhiên, Qua đánh giá mô học thì vẫn chưa đủ để xác nhận sự phát triển nội bào. Giun nhiều tơ có khả năng mang bào tử truyền nhiễm trong một thời gian sau khi ăn thức ăn hoặc trầm tích đất bị ô nhiễm EHP. Kết quả ủng hộ quan điểm phổ biến rằng việc sử dụng giun nhiều tơ đánh bắt ngoài tự nhiên làm thức ăn sống cho tôm bố mẹ có thể làm tăng nguy cơ lây truyền thụ động hoặc cơ học của EHP dẫn đến nguy cơ ô nhiễm trong trại giống.
Một số đánh giá bước đầu của các nhà khoa học người Trung Quốc cho rằng ba loài chuồn chuồn (Anax parthenope, Pantala flavescens và Ischnura senegalensis) là vật chủ của EHP tại một trang trại nuôi trồng thủy sản ở Maoming, Trung Quốc. Nhận định này thông qua các đánh giá bằng phản ứng chuỗi polymerase (PCR) và xét nghiệm mô bệnh học bằng phương pháp nhuộm hematoxylin–eosin, bào tử EHP đã được tìm thấy ở ấu trùng và chuồn chuồn trưởng thành bị nhiễm EHP tự nhiên được thu thập từ trang trại nuôi tôm. Kết quả lai in situ huỳnh quang cho thấy tín hiệu dương tính về nhiễm EHP trong cơ thể của ấu trùng chuồn chuồn.
Bào tử vi bào tử chưa trưởng thành và trưởng thành và plasmodium bào tử sinh sản muộn đã được quan sát thấy trong tế bào chất của ấu trùng chuồn chuồn bằng kính hiển vi điện tử. Sự lây truyền EHP từ tôm sang ấu trùng chuồn chuồn đã được xác nhận thông qua các thí nghiệm cảm nhiễm chung sống trong đó ấu trùng chuồn chuồn không bị nhiễm EHP được chung sống với tôm bị nhiễm EHP, và sự lây truyền EHP từ ấu trùng chuồn chuồn sang tôm đã được chứng minh thông qua sự chung sống của ấu trùng chuồn chuồn bị nhiễm EHP. Nghiên cứu này xác nhận rằng chuồn chuồn có thể hoạt động như vật chủ EHP tự nhiên và tồn tại một con đường lây truyền ngang EHP mới giữa chuồn chuồn và tôm.
Ba loài chuồn chuồn
A: ấu trùng Anax parthenope; B: Anax parthenope trưởng thành; C: ấu trùng Ischnura senegalensis; D. Ischnura senegalensis trưởng thành; E. ấu trùng Pantala flavescens; F: Pantala flavescens trường thành.
Việc xác định vật chủ trung gian có ý nghĩa rất lớn trong phòng bệnh EHP trên tôm. Dựa trên kết quả của các nghiên cứu này đề xuất một chiến lược phòng ngừa và kiểm soát EHP mới để ngăn chuồn chuồn xâm nhập vào môi trường nuôi trong quá trình nuôi tôm và cắt đứt con đường lây truyền của EHP, cũng như chất lượng giun nhiều tơ làm thức ăn cho tôm bố mẹ từ trong trại giống.
Hồng Huyền