Chiến lược của ngành tôm nước lợ hiện nay là xanh hóa chuỗi sản xuất, đã được định hướng trong nhiều chính sách nhà nước những năm qua với các giải pháp thúc đẩy cụ thể. Thông tin từ Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho cái nhìn khá đầy đủ về vấn đề này.
Đề án phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến 2030
Chính phủ định hướng phát triển xanh trong thuỷ sản
Từ năm 2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về phát triển xanh trong thủy sản. Đáng chú ý là Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 phê duyệt Đề án phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến 2030.
Trong đó, mục tiêu lĩnh vực Thủy sản đến 2030: Đảm bảo 50% bùn thải và 50% nước thải trong các trang trại nuôi trồng thủy sản được xử lý và tái sử dụng; 100% phụ phẩm của công nghiệp chế biến tôm và cá tra được áp dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng.
Về nghiên cứu, chuyển giao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ: Quy trình công nghệ nuôi tuần hoàn nguồn nước, không chất thải; quy trình thu gom, xử lý tái sử dụng nước nuôi khép kín, xử lý bùn thải, nước thải trong nuôi trồng thủy sản. Công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Sản xuất thức ăn thủy sản, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn thủy sản từ phụ phẩm nông nghiệp, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi.
Chuyển giao các công nghệ trong lĩnh vực thuỷ sản: Công nghệ tái chế, sử dung phụ phẩm trong ngành sản xuất tôm (vỏ tôm, râu tôm, nước thải, bùn thải) thành các sản phẩm giá trị gia tăng như Chitin, Chitosan, Peptide, axit amin, thực phẩm (dầu tôm, bột tôm), thức ăn chăn nuôi, phân bón, năng lượng tái tạo.
Bộ NN&MT thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn
Các bộ, ngành có nhiều quyết định triển khai thực hiện đề án đã được Chính phù phê duyệt. Điển hình là Bộ NN&MT (trước đây là Bộ NN&PTNT) có Quyết định số 3444/QĐ-BNN-KH ngày 12/9/2022 thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Trong đó, xác định nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản: Nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước, sử dụng có hiệu quả vật tư, giảm sử dụng kháng sinh, bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Áp dụng đối tượng nuôi trồng thủy sản mới có hiệu quả cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu. Tăng cường kiểm soát dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh, bảo đảm an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
Về nhiệm vụ chế biến: Khuyến khích áp dụng công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích sử dụng các công nghệ sử dụng tiết kiệm nguyên vật liệu, năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Ngày 13/12/2024, Bộ NN&MT có Quyết định số 4441/QĐ-BNN-KHCN Xây dựng và phê duyệt dự án khoa học công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực thủy sản đến năm 2030. Trong đó, nêu rõ quy trình công nghệ nuôi tuần hoàn nguồn nước, không chất thải; Quy trình thu gom, xử lý tái sử dụng nước nuôi khép kín, xử lý bùn thải, nước thải trong nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, phát triển công nghệ tái chế, sử dụng phụ phẩm trong ngành tôm thành các sản phẩm giá trị gia tăng. Ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất thức ăn thuỷ sản, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn thuỷ sản từ phụ phẩm nông nghiệp, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi.
Một số tiến bộ kỹ thuật trong nuôi tôm
Năm 2017 đã có quy trình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Biofloc; Quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh 2 giai đoạn ít thay nước theo công nghệ.
Năm 2020 có quy trình công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 3 giai đoạn, giảm chất thải.
Năm 2021 có quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh ứng dụng công nghệ MicroNano Bubble Oxygen; Quy trình công nghệ nuôi 2 giai đoạn kết hợp công nghệ biofloc nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng.
Năm 2021-2022 có quy trình kỹ thuật nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng thâm canh/bán thâm canh/quảng canh cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất và bền vững môi trường.
Năm 2024 có giải pháp tối ưu hoá dinh dưỡng trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường theo quy trình Grofarm.
Những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đưa ngành tôm lợ vươt qua nhiều khó khăn thách thức những năm qua. Đến năm 2024 đảm bảo diện tích nuôi 737.000 ha, sản lượng 1.264.000 tấn (tăng 5,3% so với năm 2023), xuất khẩu 3,856 tỷ USD (tăng 14%). Các thị trường xuất khẩu chính vẫn khá ổn định với Trung quốc và Hàn Quốc 843 triệu USD; Mỹ 756 triệu USD; Nhật Bản 517 triệu USD; EU 484 triệu USD.
Một số dự án liên quan đang được triển khai
Ở tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau triển khai Dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững”. Mục tiêu chính, thử nghiệm các mô hình đổi mới sáng tạo, giải pháp tối ưu cải thiện chất lượng nước trong sản xuất tôm giống và mô hình tôm – rừng. Thử nghiệm hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS) để giảm lượng nước thải và bùn thải.
Cũng ở tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau triển khai Dự án “Thúc đẩy thực hiện Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” đến năm 2030. Nhằm hỗ trợ thúc đẩy các bên liên quan thực hiện chính sách hiện có về nuôi trồng thuỷ sản bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hướng tới quản lý thuỷ sản bền vững, giảm áp lực lên đa dạng sinh học.
Còn ở Huế, Bình Định, Sóc Trăng triển khai Dự án “cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Một trong số các hoạt động là hỗ trợ người dân áp dụng các mô hình nuôi thuỷ sản kết hợp trồng rừng.
Sáu Nghệ