Kỹ thuật nuôi ghép tôm sú với cá dìa trong ao

Theo: Admin - Cập nhật lúc: 09:11:32 - 10/08/2022

Hiện nay nuôi ghép tôm với cá dìa trong ao là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường nhờ nuôi tôm với mật độ thấp, đồng thời cá dìa sẽ tận dụng nguồn rong tảo và một phần thức ăn thừa, mùn bã hữu cơ trong ao sẽ hạn chế được dịch bệnh. Việc nuôi ghép sẽ phá thế độc canh nuôi tôm, giảm rủi ro trong sản xuất. Phương pháp này có thể áp dụng như sau:


1. Chuẩn bị, cải tạo ao nuôi:

Ao nuôi cần cải tạo cho đáy ao bằng phẳng, độ dốc từ cống tưới đến đáy cuối ao 2%, độ sâu phải đạt 1,5-2m, mực nước trong ao trung bình 1-1,5m.


* Cải tạo ao nuôi:

Tháo cạn nước, sên vét bùn đáy, tu sửa, vệ sinh bờ ao.


Bón vôi: Sử dụng vôi nông nghiệp, vôi tôi Ca(OH)2, hoặc vôi nung CaO để cải tạo. Lượng vôi 7-10 kg/100m2 với vôi nông nghiệp, nếu dùng vôi nung thì giảm đi ½. Sau khi rải vôi những ao có điều kiện nên phơi đáy 5 – 7 ngày. Với ao không tháo cạn được nước thì phải dùng bơm sục đáy ao và bơm tẩy rửa chất thải sau đó bón vôi.


* Diệt tạp:

Đối với những ao không tháo cạn và phơi đáy ao được thì cần phải diệt cá tạp bằng: Saponin. Lượng dùng: 15-20 kg/1000m3. Nên ngâm Saponin trong nước ít nhất 8-12 giờ trước khi tạt xuống ao.


Sau khi cải tạo đáy ao và diệt tạp, lấy nước vào ao qua lưới lọc đúng tiêu chuẩn, mực nước đạt 1-1,5m, để 3-5 ngày cho lên màu nước, nếu nước không có màu thì tiến hành gây màu nước trước khi thả giống.


* Gây màu:

Có thể dùng phân hữu cơ đã ủ hoai như: phân chuồng, gà, trâu, bò để bón với liều lượng 10-20kg/1.000m2; hoặc dùng phân vô cơ: NPK 2-2,5 kg/1000m3. Nên bón phân vào 9-10 giờ sáng. Lượng phân bón trên có thể chia ra 2-3 ngày bón, khi bón phân vô cơ cần chú ý hòa tan phân trước khi bón và tạt đều trên mặt ao vào lúc 9 -10 giờ sáng.


2. Chọn và thả giống:

Cần chọn nơi cung cấp con giống có uy tín, quan sát hoạt động và hình thể bên ngoài để có thể chọn được con giống tốt. Thường tôm khỏe có gai (chuỳ) phía trên, đuôi xoè, khi bơi 2 ăng ten đóng mở thành hình chữ V; Thân hình không dị hình gẫy khúc, co thắt, vẹo thân, tôm phải bơi theo chiều ngược dòng nước (nếu có dòng chảy), tôm đều con, màu sắc sáng bóng... Nên chọn giống ương 4-6cm hoặc 2-3cm để thả.


Cá dìa giống thường được đánh bắt, thu gom ngoài tự nhiên, nên chọn cá có màu sắc tươi sáng, không dị hình, vây vảy hoàn chỉnh, không bị sây xát, lỡ loét. Cá hoạt động linh hoạt, bơi lội nhanh nhẹn, kích cỡ tốt nhất là 20-25g/con trở lên.


Mật độ nuôi ghép nên thả ở mức sau: Tôm sú 7 - 15con/m2, cỡ ≥2-3cm. Nếu thả P15 thì nên thả ương trước 15-20 ngày khi tôm đạt kích thước ≥ 2-3cm thì tiến hành thả cá. Cá dìa 0,5 – 1con/m2, (20-25 g/con).


Thả giống vào lúc trời mát, thời gian thả 6-9 giờ sáng hoặc 5-7 giờ chiều, tránh lúc trưa nắng nhiệt độ cao. Nếu giống được vận chuyển kín thì ngâm túi chứa tôm, cá trong ao 15-20 phút sau đó mở túi để nước trong ao vào túi từ từ rồi thả ra ngoài. Nếu vận chuyển hở thì chúng ta đưa thùng vận chuyển xuống ao cho nước ao vào sau đó nghiên dụng cụ để tôm, cá tự bơi ra ngoài.


3. Chăm sóc, quản lý:

a. Chăm sóc:

Để hạn chế ô nhiễm nên sử dụng thức ăn công nghiệp dạng hạt, viên, lượng thức ăn hàng ngày đối với tôm từ 2 – 10% tổng trọng lượng đàn tôm nuôi. Cho tôm ăn ngày 3-4 lần, lượng thức ăn buổi sáng và tối nhiều hơn buổi trưa. Hàng ngày ta dùng sàng ăn để kiểm tra. Sàng ăn có kích cỡ 1 x 1 m hoặc có thể 0,8 x 0,8m, thường 1 sàng/1.000m2. Sau 2-3 giờ cho ăn (với tôm nhỏ hơn 10g, 1-3 tháng) và 1,5-2 giờ với tôm cỡ lớn (20g trở lên, trên 3 tháng nuôi). Đối với cá, dùng thức ăn viên nổi cho vào khung nổi cho cá ăn với tỷ lệ 2-3% trọng lượng thân. Một ngày nên cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát. Khi cho ăn nên cho từ từ để cá bắt mồi, sau khi cho cá ăn 15-30 phút mà trong khung hết thức ăn là vừa, tùy tình hình thực tế mà điều chỉnh thức ăn cho phù hợp. Có thể bổ sung thêm một ít rong mền, rong phao cho cá.


* Chú ý: Cá dìa có thể cạnh tranh thức ăn với tôm vì thế cần cho cá ăn trước sau đó mới cho tôm ăn; tăng cường thức ăn cho tôm vào buổi tối vì lúc này cá không bắt mồi.


b. Quản lý ao nuôi:


* Thay nước:

Trong 30 ngày đầu không nên thay nước mà chỉ cấp nước bổ sung do nước bốc hơi và thấm lậu, chỉ cấp thêm từ 10-20% nước từ nguồn nước sạch, độ mặn ổn định ít chênh lệch. Từ tháng thứ 2 trở đi có thể thay nước, mỗi lần thay nước cần kiểm tra chất lượng nước như độ mặn, các chất độc vào những kỳ nước thải từ sản xuất nông nghiệp ra khu vực vùng nuôi hoặc vùng bị dịch bệnh lân cận thì cần phải đặc biệt chú ý. Lượng nước thay nên từ 20 - 30% lượng nước ao. Sau mỗi lần thay nước cần kiểm tra lại nước trong ao: pH, độ mặn (S0/00), duy trì sự ổn định nước ao nuôi.


* Điều chỉnh cá yếu tố môi trường:

- pH thích hợp để tôm, cá phát triển tốt pH từ 7,5-8,5. Khi dao động độ chênh lệch trong ngày lớn hơn 0,5 thì phải xử lý bằng vôi nông nghiệp (CaCO3), hoặc vôi Dolomite với lượng 20 kg/1000 m3 hoà nước tạt đều khắp mặt ao. Khi pH>8,5 cần phải thay một phần nước trong ao 20-30%. Khi pH< 7,5, cần bón vôi nông nghiệp hoặc vôi tôi với lượng 10-20 kg/1000m3 điều chỉnh pH đạt yêu cầu. Tốt nhất người nuôi tôm nên định kỳ bón bột đá vôi CaCO3, Dolomite để tăng hệ đệm cho ao nuôi (thường 7 - 10 ngày ta bón 1 lần, lượng 10 - 20 kg/1.000 m3). Trong khi nuôi cần giữ độ trong từ 30-40 cm, nếu độ trong thấp 20-25cm thì nên thay nước để giảm mật độ tảo.


Cần lắp đặt hệ thống quạt nước để bổ sung oxy hoà tan trong nước đảm bảo hàm lượng oxy luôn lớn hơn 4mg/lít, tạo điều kiện để tôm lột xác, tạo dòng chảy gom thức ăn dư thừa và chất thải tập trung lại một chỗ, làm sạch khu vực cho ăn, giúp giải phóng một số khí độc trong ao nuôi… Trong suốt vụ nuôi cần giữ mực nước ao tối thiểu: 0,8-1m, tốt nhất nên 1,2-1,5m. Sau những cơn mưa lớn phải tháo bỏ lớp nước mặt ra ngoài tránh độ mặn giảm đột ngột, đồng thời dùng máy quạt nước tạo dòng chảy đối lưu tầng mặt tầng đáy, hạn chế sự phân tầng của nước ao nuôi.


Định kỳ 10-15 ngày dùng Zeolite để bón nhằm hấp thu một phần khí độc, hạn chế độ đục và làm sạch đáy ao do xác tảo và các chất hữu cơ gây ra, tạo môi trường ổn định. Các loại khí độc trong nước phải kiểm soát ở mức H2S < 0,03 mg/lít, NH3 < 0,2 mg/lít.


3. Phòng bệnh cho tôm, cá:

Bệnh của tôm, cá phát sinh khi mật độ mầm bệnh trong ao cao và vật nuôi có sức khỏe yếu không đủ sức đề kháng với những bất lợi của môi trường; Việc chẩn đoán bệnh cho tôm, cá chính xác và chữa trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Do đó trong quá trình nuôi tôm việc phòng bệnh cho tôm, cá là vô cùng quan trọng và đặt lên hàng đầu.


Phòng bệnh tức là áp dụng các biện pháp cần thiết để nâng cao sức đề kháng của vật nuôi, tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi, sử dụng các vi sinh vật hữu ích để cạnh tranh môi trường sống và tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa mầm bệnh đã có phát triển và lây lan. Phòng bệnh gồm các biện pháp tổng hợp như: Cải tạo ao nuôi đúng kỹ thuật, chọn tôm, cá giống có chất lượng, nuôi ở mật độ phù hợp, thả giống đúng kỹ thuật, đúng mùa vụ; Cho tôm, cá ăn với loại thức ăn có chất lượng, hạn chế tối đa thức ăn tươi sống, cho ăn đúng lượng không quá thiếu hoặc thừa. Đối với ao chưa nhiễm bệnh, mà bên ngoài vùng ao đó đã có dấu hiệu nhiễm bệnh thì tuyệt đối không được cấp nước chưa qua xử lý vào ao. Định kỳ 10-15 ngày bổ sung các vitamin vào thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Đồng thời dùng các chế phẩm vi sinh định kỳ xử lý các chất dư thừa trong nước.


4. Thu hoạch:

Sau một thời gian nuôi: 110 - 120 ngày, tôm có thể đạt cỡ trung bình 25 - 30g/con, cá đạt trọng lượng 150 - 200g/con tiến hành thu hoạch. Tuy nhiên trong quá trình nuôi nếu phát hiện tôm bị bệnh mà đã đạt cỡ 15 - 20 g/con thì thu hoạch tôm trước. Có thể thu tôm và cá cùng lúc hoặc thu hoạch tôm trước, cá sau. Cá trước khi thu hoạch cần phải nhịn cho ăn ít nhất 1-2 ngày.


Nguồn Internet



 
bình luận 0 Lượt xem 575

Bài liên quan

Biện pháp hạ phèn hiệu quả nhanh chóng

Theo: admin - Cập nhật lúc: 10:41:27 - 29/03/2024

Chắc chắn rằng việc ao nuôi bị nhiễm phèn không còn là điều quá xa lạ đối với những người nuôi trồng thủy sản. Phèn xuất hiện trong ao nuôi tôm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và sản lượng của vụ nuôi.

Xem chi tiết

Kỹ thuật cải tạo ao, đầm

Theo: admin - Cập nhật lúc: 09:25:13 - 27/03/2024

Trong nuôi trồng thủy sản thì khâu cải tạo ao, đầm rất là quan trọng, bởi vì sau một vụ nuôi: Phân cá, thức ăn dư thừa, các chất thải và mầm bệnh lắng đọng...

Xem chi tiết

Trà Vinh nuôi tôm nước lợ: Bám sát 06 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm

Theo: admin - Cập nhật lúc: 09:07:33 - 26/03/2024

Trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diện tích nuôi tôm nước lợ năm 2023 đạt 677.781ha; tổng sản lượng đạt 939.701 tấn (tôm sú 258.512 tấn, tôm thẻ 681,189 tấn); chiếm tỷ trọng 93% và sản lượng chiếm 86% so với cả nước.

Xem chi tiết

Khí độc ao tôm: Nguy cơ và hướng xử lý

Theo: admin - Cập nhật lúc: 10:30:06 - 25/03/2024

Ao tôm khi nuôi khoảng 1 tháng thì bắt đầu có khí độc NH3, NO2 do thức ăn dư thừa, phân tôm, bùn sìn, tảo tàn.

Xem chi tiết
Xem chi tiết
        

CÔNG TY TNHH NIKOLET

MST: 6300304627 Do Sở KH & ĐT tỉnh Hậu Giang cấp ngày 18/09/2019

Người đại diện: Ông Nguyễn Văn Thêm - Chức vụ Giám đốc

Địa chỉ: Tỉnh lộ 925, Ấp Thạnh Thuận, Xã Đông Thạnh, Huyện Châu Thành, Hậu Giang

Văn phòng đại diện tại Cần Thơ: 8B, Đường số 9, KDC Hồng Phát, P. An Bình, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Điện thoại: 02936297986 - 0946666674

Website: www.nikolet.com.vn  - Email: mcthem@yahoo.com.vn

Tổng lượt truy cập: 94245
Đang truy cập: 3

Thiết kế và phát triển bởi Mientaynet.com