Việc sử dụng chế phẩm vi sinh là giải pháp sinh học hiệu quả trong nuôi tôm hiện đại, giúp ổn định môi trường và hạn chế vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nấm, đặc biệt là độc tố do chúng tiết ra, khiến việc xử lý trở nên khó khăn. Những độc tố này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tôm mà còn tác động đến hệ sinh thái ao nuôi, làm suy giảm hiệu quả của vi sinh trong quản lý và phòng bệnh.
Nấm có tốc độ lây lan nhanh, hàm lượng độc tố cao và gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe tôm
Nguyên nhân nấm xuất hiện
Ao dư chất hữu cơ, thức ăn thừa, chất thải của tôm và các vi sinh vật khác.
Ao tôm thiếu oxy, nhiều khí độc như: amoni, nitrit, nitrat, sunfua, metan,…
Ao tôm có nhiệt độ thấp, độ pH không ổn định, độ mặn thay đổi thất thường.
Ao tôm bị nhiễm các loài vi khuẩn, vi bào tử, ký sinh trùng, động vật nguyên sinh gây bệnh cho tôm.
Những vùng nuôi có độ mặn cao, ao nuôi bị sụp tảo
Độc tố nấm gây hậu quả gì?
Nhóm độc tố nấm mốc (Mycotoxins) là các hợp chất độc hại được sản sinh tự nhiên bởi một số loại nấm mốc. Một loài nấm mốc có thể sản sinh nhiều mycotoxin khác nhau, và một số loài có thể sản sinh cùng 1 loại mycotoxin. Nhóm độc tố này có thể gây:
- Tổn thương tế bào gan tôm: Biểu hiện chung là gan chuyển thành màu vàng tươi, mật sưng sau đó gan cũng sưng phồng lên, xuất hiện những đốt hoại tử màu trắng. Cuối cùng, vì gan quá yếu nên các chủng vi khuẩn có hại (nhóm Vibrio cơ hội) sẽ tấn công vào gan và làm cho gan trở nên bở (dễ bị bể).
- Tổn thương hệ tiêu hóa: Mycotoxins tấn công vào đường ruột, làm tế bào niêm mạc chết đi, làm giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của tôm, các enzyme tiêu hóa (như lipase và amylase) bị biến đổi, khiến đường ruột tôm yếu đi.
- Giảm sức đề kháng: ức chế sự tổng hợp của những protein cần thiết và rất quan trọng liên quan đến chức năng của hệ miễn dịch, từ đó làm suy giảm hệ thống miễn dịch một cách mạnh mẽ. Mycotoxins còn tấn công và làm giảm đi số lượng bạch cầu và hồng cầu của tôm, khiến toàn bộ hệ thống phòng bệnh của tôm bị tổn thương nghiêm trọng.
Độc tố nấm ảnh hưởng hiệu quả sử dụng vi sinh
Khi nấm làm tổ sẽ trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài vi khuẩn, ký sinh trùng gây hại cho tôm. Đồng thời độc tố nấm cũng làm giảm hiệu quả sử dụng thuốc, hoá chất và men vi sinh, bởi khi nấm phát triển diện rộng trong ao, độc tố của chúng sẽ làm môi trường nước ô nhiễm. Hệ sinh thái ao bị thay đổi dẫn đến việc theo dõi các chỉ số chất lượng nước và sức khỏe tôm cũng trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, việc các thông số môi trường như pH, hàm lượng oxy hòa tan, nhiệt độ bị thay đổi do tác động của độc tố từ nấm sẽ gây bất lợi cho hoạt động sử dụng vi sinh. Vi sinh vật chỉ hoạt động tốt trong môi trường nước có các yếu tố như pH, nhiệt độ, và oxy hòa tan ở mức phù hợp. Ví dụ, nhiều loại vi sinh hoạt động tốt nhất ở pH từ 6,5 đến 8,5 và nhiệt độ từ 25°C đến 30°C.
Nếu môi trường ao nuôi không đạt các điều kiện này, vi sinh sẽ hoạt động kém hiệu quả hoặc thậm chí bị tiêu diệt. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh các yếu tố này để tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh phát triển.
Biện pháp phòng ngừa
Đối với ao chưa có tôm: Cần cải tạo và làm sạch ao thật kỹ trước vụ nuôi. Tất cả các dụng cụ hay thiết bị dung trong nuôi tôm bị nhiễm nấm từ vụ trước phải được xử lý sạch sẽ bằng các hóa chất chuyên dụng.
Đối với ao có tôm: Đối với ao nuôi đang có tôm phải đặc biệt lưu ý khi dùng biện pháp cơ học như chà, tẩy các cá thể nấm, vì khi làm việc này có thể vô tình làm cho các bào tử nấm phát tán mạnh hơn và các cá thể nấm khi bị chà bong tróc ra sẽ phát sinh độc tố khi tôm ăn phải. Bổ sung liên tục men tiêu hóa cho tôm nhằm củng cố hệ thống tiêu hóa của tôm. Kiểm soát lượng thức ăn cho ăn (tránh cho ăn gần bờ).
Nâng cao độ đục hoặc mực nước nhằm làm giảm ánh sáng, ngăn cản sự quang hợp của nấm sẽ làm nấm chết. Luôn giữ màu nước ổn định trong ao. Tăng cường sục khí, chạy quạt trong điều kiện thời tiết thay đổi. Cách ly những dụng cụ bị nhiễm nấm.
Nhất Linh