Những yếu tố khiến việc điều trị bệnh cho tôm tốn nhiều chi phí nhưng lại kém hiệu quả
Chỉ những ai nuôi tôm lâu năm mới “thấu hiểu” việc điều trị bệnh cho tôm rất tốn kém và hiệu quả không cao. Đơn cử như gặp những dịch bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đốm đen,… thì chỉ còn cách thu hoạch khẩn cấp, nếu may mắn chữa được bệnh thì cũng bị lỗ do tôm hao hụt nhiều, thậm chí còn nặng nề hơn.
Dân gian có câu: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, điều này cũng không sai với người nuôi tôm. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố khác nhau khiến ao nuôi bùng phát dịch bệnh, như:
1) Khó phát hiện khi tôm mới phát bệnh
Tôm sú tấp bờ do sức đề kháng yếu. Ảnh: Internet.
Tôm là loài chủ yếu sống và bắt mồi ở đáy. Thông thường, người nuôi khó có thể quan sát tôm bởi khi mới thả tôm thì tôm còn quá nhỏ, khi tôm nuôi từ tháng thứ 2 trở đi thì màu nước lại đậm dần khiến việc quan sát tôm khó khăn. Hầu hết người nuôi chỉ có thể quan sát rõ tôm bệnh khi thấy chúng bơi lờ đờ trên mặt nước hay tấp bờ,… khi ấy mọi chuyện đã “quá muộn”. Điều này lý giải vì sao khó phát hiện lúc tôm mới chớm bệnh.
2) Sức đề kháng của tôm kém
Tôm không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên khả năng phòng bệnh là rất kém, không có vaccine phòng bệnh. Đó là lý do vì sao các chuyên gia thường khuyến cáo bà con khi nuôi cần thường xuyên bổ sung các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản cùng Vitamin C và các khoáng chất cần thiết để tôm tăng sức đề kháng và khỏe mạnh.
3) Biến động môi trường
Thân nhiệt của tôm không ổn định mà thay đổi theo nhiệt độ môi trường nước. Vì thế, chỉ cần thời tiết đột ngột theo đổi cũng khiến tôm trở nên suy yếu và dễ nhiễm bệnh. Trong đó, khi thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ khiến tôm bắt mồi nhanh nhưng thải nhiều phân sống làm ô nhiễm nước tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại hoạt động mạnh gây bệnh phân trắng, ngược lại khi thời tiết lạnh sẽ khiến tôm giảm bắt mồi hoặc ngưng ăn tạo điều kiện cho virus hoạt động mạnh gây bệnh đốm trắng.
4) Tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh
Những con tôm nhiễm bệnh chết và chìm đáy. Điều này đồng nghĩa với việc tôm khỏe mạnh phải sống chung với mầm bệnh. Xác tôm chết trở thành món “khoái khẩu” của tôm khỏe và kết quả mầm bệnh được lây lan nhanh chóng.
5) Tác nhân cơ hội
Dù việc xử lý nước ao nuôi tôm được thực hiện kỹ lưỡng đến đâu thì trong nước vẫn có thể tồn tại nhiều tác nhân cơ hội. Chúng có thể là: virus, kí sinh trùng, vi khuẩn,… phát triển âm thầm và chực chờ những con tôm yếu để tấn công.
Đó là những yếu tố khiến việc điều trị bệnh cho tôm trở nên kém hiệu quả. Tất nhiên, trước và sau mỗi vụ nuôi bà con cần tiến hành cải tạo ao nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, bón vôi, men vi sinh để phòng ngừa dịch bệnh. Trong suốt vụ nuôi, bà con cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, các dấu hiệu bất thường trên tôm để từ đó có hướng xử lý kịp thời. Chúc bà con vụ mùa bội thu!
Nguồn: EcoClena t/h