Nhiều năm trở lại đây, bệnh phân trắng trên tôm vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại của người nuôi tôm, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng của ngành tôm Việt Nam.
Tôm thường mắc bệnh vào giai đoạn 1 tháng tuổi trở đi, đặc biệt là giai đoạn từ 50-90 ngày tuổi. Với những mô hình nuôi tôm công nghiệp, khi nuôi với mật độ dày và ít thay nước nếu ao nuôi mắc phải bệnh dễ dẫn đến sự lây lan bệnh nhanh trong ao, gây thiệt hại lớn đến năng suất của vụ nuôi.
Bệnh phân trắng diễn ra ở mức độ nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào một số yếu tố như: Mật độ nuôi, kinh nghiệm nuôi, môi trường nước ao, số lượng tôm nhiễm bệnh…Mặc dù bệnh phân trắng không gây chết hàng loạt nhưng nếu không xử lý kịp tôm còi cọc, châm lớn, chết dần gây ảnh hưởng đến năng suất chất lượng của cả vụ nuôi.
1. Nguyên nhân gây bệnh: Có 4 nguyên nhân chính được xác định gây nên bệnh phân trắng trên tôm đó là:
Do thức ăn: Thức ăn không đảm bảo, thức ăn bị nhiễm nấm mốc, độc tố… tôm ăn phải thức ăn trên sẽ bị bệnh đường ruột trong đó có bệnh phân trắng.
Do tảo độc: Tôm ăn phải tảo độc, tảo tiết ra enzyme làm tê liệt lớp biểu mô ruột, làm ruột không hấp thu thức ăn được, tôm bị bệnh.
Do vi khuẩn: vi khuẩn Vibrio bám trên thành ruột và gây ra những tổn thương cho thành ruột tôm..
Do ký sinh trùng (Gregarine) bám trên thành ruột
2. Triệu chứng bệnh:
Tôm yếu ăn (hoặc bỏ ăn nếu bị bệnh nặng), phân tôm nổi lên mặt nước và tập trung nhiều ở cuối hướng gió. Khi quan sát đường ruột tôm thấy trống thức ăn hoặc thức ăn bị đứt quãng.
Kiểm tra bằng Phương pháp mô học của mẫu tôm bị bệnh phân trắng thì thấy gan cũng bị tổn thương, tế bào gan bị chết từng điểm bong ra.
Phân tôm có màu trắng, tôm có thể ốp thân, vỏ mềm.
Bệnh phân trắng nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời, khả năng bắt mồi của tôm sẽ trở lại bình thường, nhưng nếu để bệnh kéo dài không xử lý làm tôm giảm khả năng bắt mồi, tôm yếu đi và bắt đầu chết rải rác từ vài con đến vài trăm con/ ngày.
3. Phòng bệnh phân trắng cho tôm:
+ Quản lý môi trường ao nuôi:
- Tỷ lệ thả tôm giống phải phù hợp, cải tạo chuẩn bị ao thật kỹ, đúng quy trình, ...
- Ao phải có chế độ thay nước định kỳ, ngăn ngừa sự phát triển của tảo độc, định kỳ xử lý tảo, ổn định màu nước.
- Định kỳ 7-10 ngày/lần, dùng men vi sinh xử lý đáy ao để phân hủy chất hữu cơ có trong ao do phân thải ra hàng ngày, do tảo tàn, thức ăn thừa, xác vỏ tôm lột xác... tạo môi trường ao nuôi thông thoáng, sạch bệnh.
- Tăng cường cho ăn thuốc thảo dược cho ăn hàng ngày (ngày 1 - 2 cữ ăn) khi thấy đường ruột không tốt, phân đứt khúc, đi lỏng. Tăng cường chức năng gan, ổn định đường mật giúp tiêu hóa thức ăn tốt chống lại hiện tượng đi phân trắng ở tôm sú, tôm thẻ.
+ Lựa chọn thức ăn và bảo quản thức ăn tốt:
- Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, với lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.
- Trong quá trình nuôi nên bổ sung thường xuyên men tiêu hóa có lợi cho đường ruột của tôm, bằng cách trộn Men Tiêu hóa Trường Sinh vào thức ăn. Bà con nên trộn Vitamin C để tăng sức đề kháng cho tôm, ngăn chặn các tác nhân gây bệnh,...
Nguồn Internet