Các chất độc phát sinh trong ao nuôi một trong những nguyên nhân khiến tôm còi cọc, stress, chậm phát triển, thậm chí là chết hàng loạt gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.
Nồng độ khí độc cao trong ao tôm có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sự sinh trưởng và phát triển của tôm
Dưới đây là một số chất độc hại thường xuất hiện trong ao nuôi giúp bà con hiểu hơn và có những phương pháp quản lý hiệu quả, giúp bảo vệ sức khỏe tôm, nâng cao năng suất nuôi.
Các chất độc hại trong ao nuôi tôm
Amoniac (NH3/NH4+)
Chất độc đầu tiên trong ao nuôi tôm phải kể đến amoniac, là một chất độc hại được tạo ra chủ yếu từ chất thải và cặn tồn lại của vi sinh vật. Chất độc này xuất hiện chủ yếu do sự dư đạm từ thức ăn thừa của tôm, phân tôm (chiếm 75%), xác tôm, xác tảo khi chết sẽ phân hủy ra một lượng đạm đáng kể.
Sự hiện diện của amoniac trong ao nuôi tôm cũng quan trọng vì nó có thể có lợi cho thực vật phù du và tôm (sinh vật phù du là nguồn thức ăn tự nhiên tốt cho tôm). Thực vật phù du đóng vai trò cố định quá trình chuyển đổi khí dinitrogen thành nitơ và sử dụng nguồn nitơ làm chất dinh dưỡng để tăng trưởng.
Amoniac không độc nếu nồng độ của nó vẫn dưới một ngưỡng nhất định (không quá 0,1 ppm). Nếu vượt quá giới hạn này, nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự sống còn của tôm, dẫn đến chậm phát triển, tăng căng thẳng và dễ mắc bệnh hơn.
Nitrit (NO2-)
Nitrite là một chất độc hại trong ao nuôi tôm xuất phát từ quá trình Nitrat hóa chuyển sang NO2-hoặc có thể đã tồn tại trong nguồn nước cấp vào ao.
Nồng độ nitrit cao có thể là do dư thừa thức ăn, mật độ nuôi cao, tuần hoàn nước kém, thiếu ôxy hòa tan và các yếu tố khác làm gián đoạn sự cân bằng chu trình nitơ.
Nitrit cực kỳ độc đối với tôm thẻ chân trắng và có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực, bao gồm ức chế sự tăng trưởng và phát triển của tôm, trong các trường hợp nghiêm trọng, nồng độ NO2- cao có thể dẫn đến tình trạng tôm chết nổi đầu vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Mặc dù nồng độ nitrit trong ao nuôi tôm thường thấp, nhưng độc tính của chúng nguy hiểm đặc biệt là trong giai đoạn đầu nuôi. Trong giai đoạn này, nồng độ nitrit có thể tăng nhanh và đạt đến mức độc hại gây nguy hiểm cho tôm.
Độc tố sinh vật phù du
Sinh vật phù du cũng có thể giải phóng độc tố nguy hiểm trong ao nuôi, đặc biệt là tảo lam (BGA-Blue Green Algae), một loại tảo độc hại đến sức khỏe của tôm. Khi tảo nở hoa sẽ tạo ra một lớp màng quánh đặc phủ kín mặt ao dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong ao làm cho tôm bị ngạt do thiếu oxy.
Bên cạnh đó, các nhóm sinh vật phù du như tảo đơn bào 2 roi có thể sản sinh ra chất độc có hại cho sức khỏe tôm nuôi khi chúng chết đi. Hiện tượng này còn được gọi là sự nở hoa của sinh vật phù du. Hơn thế, hiện tượng này cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sự thay đổi pH,làm giảm độ trong của nước, ngăn ôxy đến đáy ao và gây ra sự tích tụ các hợp chất độc hại như amoniac, nitrit và hydro sulfua.
Hidro sulfua (H2S)
Hydro sulfua là hợp chất được tạo ra bởi hoạt động của vi khuẩn từ chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí. Hoặc từ sự hình thành trong lớp mùn đáy ao do cải tạo không kỹ, biện pháp xi phông đáy ao không tốt, thức ăn dư thừa.
Một số yếu tố góp phần tạo nên sự phong phú của hydro sulfua trong ao như:
- Sụp tảo: tảo phát triển quá mức và thực vật phù du nở hoa, chúng có thể chặn ánh sáng của tảo dưới đáy, gây ra hiện tượng sụp tảo và tạo ra khí H2S.
- Thiếu oxy đáy ao: Các ao sâu không đủ oxy ở đáy cũng tạo điều kiện yếm khí, góp phần vào sản sinh H2S.
- Chất hữu cơ lơ lửng: khi hàm lượng cao chất hữu cơ lắng đọng ở đáy ao và không được phân hủy kịp thời cũng có thể sinh ra H2S.
H2S gây thiếu hụt ôxy trầm trọng, tác động rất xấu đến tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm nuôi. Nồng độ H2S trong nước ao từ 0,01 đến 0,02 ppm thì tôm nuôi sẽ bị nhiễm độc và chết hàng loạt.
Khi hàm lượng H2S nhiều, ao sẽ xuất hiện những bọt bong bóng lâu tan nổi trên mặt nước. Nền đáy chuyển màu rất đen và có mùi thối. Thỉnh thoảng tôm giảm ăn mạnh vào buổi sáng, tôm chết rải rác, kiểm tra tôm, vỏ có màu sẫm, mang hồng hoặc đen.
Nhất Linh